Số liệu xuất siêu của cả nước chủ yếu do khối FDI, với đóng góp 15,04 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 40,92 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng trước.

Tháng 6, xuất khẩu đạt 21,43 tỷ USD, giảm hơn 2% so với tháng trước. Trong khi đó, nhập khẩu đạt 19,47 tỷ USD, giảm gần 16%.

Lũy kế sau nửa năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là 243,48 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 122,53 tỷ USD, nhập khẩu 120,94 tỷ USD.

Như vậy, sau 6 tháng, Việt Nam xuất siêu 1,59 tỷ USD. Trong đó, khối FDI xuất siêu 15,04 tỷ USD.

Việt Nam xuất siêu 1,59 tỷ USD trong 6 tháng - Ảnh 1.

Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 6 tháng đầu năm, giai đoạn 2011-2019. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, xuất khẩu của khối FDI trong nửa đầu năm là 84,45 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 69% kim ngạch cả nước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI 6 tháng đạt 69,41 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 57% kim ngạch cả nước.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong 6 tháng đầu năm đạt 153,87 tỷ USD, chiếm 63% kim ngạch cả nước.

Việt Nam xuất siêu 1,59 tỷ USD trong 6 tháng - Ảnh 2.

Tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm qua các thị trường lớn. Biểu đồ: Nam Anh. Số liệu: Tổng cục Hải quan, đơn vị: Tỷ USD.

Hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với châu Á với 159,69 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất 65,6% tổng kim ngạch của cả nước.

Tại châu Á, trừ thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất siêu 0,9 tỷ USD, các thị trường lớn khác như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam đều nhập siêu. Nhập siêu từ Trung Quốc trong 6 tháng lớn nhất với 19 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 27,5 tỷ USD và nhập về 6,9 tỷ USD. Tại thị trường EU, thặng dư thương mại là 13,6 tỷ USD.